Cách thành phố Hồ Chí Minh không xa, Long An vừa mang vẻ đẹp của vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, vừa có nét duyên của miền Đông Nam bộ, thích hợp cho những cuộc dạo chơi, khám phá đầy thú vị. Một trong những điểm đến khó có thể bỏ qua của du khách khi đến với Long An đó là làng cổ Phước Lộc Thọ (ấp 2, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa).
Nằm cách trung tâm thành phố Tân An (trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Long An) hơn 30km về phía đông bắc, làng cổ Phước Lộc Thọ có tổng diện tích khoảng 30.000m². Nơi đây có một dòng sông yên bình, êm ả, thơ mộng chảy qua mang tên Vàm Cỏ Đông đã đi vào thơ ca, lịch sử và cũng từng là nơi sinh sống của người Phù Nam thuộc nền văn hóa Óc Eo cổ xưa.
Làng cổ Phước Lộc Thọ mê hoặc du khách bởi nét cổ kính của các ngôi nhà xưa với nhiều kiểu kiến trúc cổ đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Hầu hết các ngôi nhà ở đây đều được chủ nhân sưu tầm từ Huế, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Quảng Nam… và các tỉnh miền Tây. Đây cũng là không gian lý tưởng để du khách thư giãn, tĩnh tâm và hòa mình vào với thiên nhiên.
Làng cổ được chia làm hai khu riêng biệt: khu tham quan và khu ăn uống, giải trí. Khu tham quan có 22 căn nhà cổ cũng được chia thành các khu vực với những nét đặc trưng riêng biệt. Khu đầu tiên là 15 ngôi nhà gỗ, trong đó có 5 ngôi nhà rường cột theo kiểu dáng miền Tây rộng 5 gian, 3 chái, toàn bộ sử dụng loại gỗ căm xe. Mỗi đòn, kèo, cột trong những ngôi nhà rường được chạm khắc công phu với những đường nét chạm trổ tinh tế. Nhà gỗ có số cột nhiều nhất trong khu này là 114 cột và ít nhất là 36 cột với lối kiến trúc xưa vừa lạ vừa đẹp mắt. Nội thất bên trong được trang trí rất đa dạng, bao gồm các hình khắc: Tứ linh, bát bửu, mai – điểu – trúc – tước, ngô đồng – phụng, liễu – mã, liên – áp, nho – sóc, lựu – thử…
Khu bên cạnh là 1 ngôi nhà được xây dựng theo kiểu miền Trung (kiểu Tửu lầu tứ giác bát dần), mang đậm dáng dấp cung đình. 6 ngôi nhà còn lại là những ngôi nhà sàn bằng gỗ, mang phong cách đặc thù của Tây Nguyên. Trong mỗi ngôi nhà đều trưng bày rất nhiều đồ vật, cổ vật quý từ vật dụng sinh hoạt hàng ngày của vua chúa, quan quân, địa chủ, người dân như: phản, xe ngựa, điện thoại, máy hát đĩa, chén, đĩa sừng bò tót, ngà voi… đến các đồ vật mang tính tâm linh của văn hóa người Việt.
Ngoài ra, trong làng cổ Phước Lộc Thọ còn có một ngôi chùa được mô phỏng theo chùa Một Cột tại Hà Nội.
Rời khu tham quan tới khu giải trí của làng cổ Phước Lộc Thọ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hơn 250 nghìn cây hoa lan các loại được nhập từ Thái Lan, gần 20 cây cổ thụ hàng trăm tuổi và nhiều hòn non bộ được đặt giữa các hồ với thiết kế đa dạng, phong phú.
Phục dựng những ngôi nhà cổ từ lâu đã trở thành một thú chơi tao nhã của nhiều người và xuất hiện ở nhiều địa phương trên đất nước Việt Nam như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác nhưng tập trung số lượng nhiều nhà cổ và có không gian rộng lớn thì không đâu bằng làng cổ Phước Lộc Thọ. Không những thế, làng cổ Phước Lộc Thọ còn được bảo tồn, phục dựng gần như nguyên vẹn, được sắp xếp hài hòa, quy hoạch bài bản trong không gian rộng có đồi cảnh, cây xanh, hồ nước, nên du khách đến đây luôn cảm nhận được trọn vẹn nét cũ hồn xưa. Năm 2012, làng cổ Phước Lộc Thọ đã được Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là nơi sở hữu nhiều nhà gỗ cổ, hoa văn phong phú, đa dạng nhất Việt Nam. Làng cũng đã được Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Long An công nhận là điểm du lịch và mở cửa đón khách tham quan, vui chơi giải trí, dã ngoại, chụp ảnh cưới, tổ chức tiệc cưới…
Đến làng cổ Phước Lộc Thọ, du khách không chỉ có dịp khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn từ những ngôi nhà cổ mà còn có cơ hội tìm hiểu văn hóa người Việt ở vùng sông nước Cửu Long dọc theo dòng sông Vàm Cỏ hay văn hóa Óc Eo cổ xưa, thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng đất Long An và miền sông nước, nghe các làn điệu dân ca, những bài dạ cổ ngọt ngào, da diết… Chính vì thế, làng cổ Phước Lộc Thọ luôn thu hút rất đông du khách, đặc biệt là những người yêu vẻ đẹp cổ xưa, yêu kiến trúc dân gian Việt Nam và đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh đến đây để tham quan và sáng tác.
Sưu tầm: tổng cục du lịch Việt Nam