Phúc Kiến đệ nhất sơn

Người Phúc Kiến tự hào về phong vị ẩm thực, về trà ô long và núi Vũ Di – di sản thiên nhiên được mệnh danh “Phúc Kiến đệ nhất sơn”. Đặc sản của Vũ Di sơn là trà ô long.

“Tam tam lục lục”

Khắp nơi người ta trồng trà, bán trà và uống trà trong mọi bữa ăn. Trường đại học Vũ Di Sơn có hẳn một khoa trà và tiếp chúng tôi trong bữa ăn tối tại một nhà hàng sang trọng trong khuôn viên trường là tiến sĩ trà Triệu Lỗi. Bao nhiêu luận văn, luận án nghiên cứu khoa học của anh chỉ tập trung vào mấy cây trà. Buổi tối rảo bộ xuống phố núi thấy nhiều nhà mặt tiền bày bán những túi trà đủ chủng loại được đóng gói rất đẹp. Trà thơm nhưng nhạt và loãng.

Đỉnh Vũ Di sơn cao 400m với hơn 3.000 bậc dốc đứng, ai không muốn leo có thể đi kiệu do hai nhân viên khu du lịch vác trên vai như thời cổ (600.000 đồng/lượt). Ngồi kiệu phải đi đường len giữa rừng, chẳng có cảnh quan gì để xem. Thật ra leo núi mới thú vị, sau khi bở hơi tai leo trèo đến bậc cuối cùng thở phào mãn nguyện ngắm nhìn thành quả của mình.

Người Phúc Kiến tự hào về “tam tam lục lục” của họ. Tam tam nghĩa là 3×3 = 9 dòng suối chín khúc uốn lượn quanh eo núi. Lục lục là 6×6 = 36 đỉnh núi hùng vĩ với diện tích gần ngàn mét vuông từng là bối cảnh quay bộ phim Tôn Ngộ Không. Dòng suối chín khúc ở lưng chừng núi quanh co như một dải lụa xanh. Hôm trước chúng tôi đã đi thuyền bằng tre trên con suối này. Các tay nhiếp ảnh dạo ở Vũ Di tác nghiệp vô cùng hiện đại.

Họ ngồi trên một mỏm đá nhô ra giữa dòng. Một người đeo máy ảnh, một người ngồi trước bàn đặt laptop, mà mỏm đá cũng chỉ vừa đủ để đặt cái bàn ấy, trên đầu là chiếc dù thảnh thơi, cứ thấy thuyền đi qua lại chụp, xong đưa thẻ nhớ vào laptop để chuyển ảnh qua mạng vào bờ sau khi chỉnh sửa photoshop. Mười lăm phút sau khách cập bến đã thấy khuôn mặt tươi tắn của mình được dán sẵn trên bảng, giá 10 tệ/tấm.

Chẳng ai từ chối món quà bất ngờ như thế. Ai muốn máy ảnh của mình lưu lại những khoảnh khắc trên suối chín khúc có thể nhờ mấy anh lái thuyền tre chụp. Họ biết góc độ nào đẹp nhất, lại lấy được toàn cảnh chiếc thuyền vì ngày nào khách cũng nhờ chụp nên đã quen.

phuc kien 2 Phúc Kiến đệ nhất sơn

Thuyền tre trên suối chín khúc

phuc kien 3 Phúc Kiến đệ nhất sơn

Leo núi bằng kiệu

Suối chín khúc nước nông, họ không dùng mái chèo mà là một cây sào dài đầu nhọn bịt sắt. Một người đứng trên đầu, một người dưới đuôi chống sào tre xuống đáy dùng sức đẩy thuyền đi. Họ có vẻ yêu đời yêu nghề lắm, cười nói liên tục suốt gần hai giờ trên suối. Có lẽ những người lái thuyền tre cha truyền con nối ấy đã cười nói cả ngày như thế, từ ngày nọ qua ngày kia, từ đời này qua đời khác. Một anh bảo rằng tối nay sẽ đi diễn cho Trương Nghệ Mưu.

Từ lúc xe bắt đầu lăn bánh, tôi đã nhìn thấy hình ảnh người đạo diễn lừng danh tươi cười xuất hiện ở khắp nẻo đường phố núi. Hai năm trở lại đây, nhằm quảng bá cho du lịch, Chính phủ Trung Quốc đã đặt hàng đạo diễn họ Trương dàn dựng bốn cuộc trình diễn ở bốn thành phố du lịch nổi tiếng là Quế Lâm, Lệ Giang, đảo Hải Nam và Vũ Di sơn.

Núi Vũ Di nổi tiếng về trồng trà và “tam tam lục lục” nên các màn múa xoay quanh nội dung ấy, chỉ 2 giờ 15 phút nhưng giá vé 35 USD. Suất diễn vào 8g tối hằng ngày, hôm nào đông khách diễn thêm suất nữa. Hôm chúng tôi đi xem, 1.999 chỗ bán hết sạch. Tôi nhẩm tính mỗi ngày họ thu được 1,5 tỉ đồng (chưa kể các suất diễn phụ). Có 300 diễn viên, thù lao cho mỗi người 100.000-200.000 đồng.

Thoạt nhìn sân khấu ngoài trời chỉ có vài bậc đá lèo tèo và mấy ngôi nhà giả cổ hiện ra lờ mờ trong bóng đêm một cách xấu xí. Ban đầu có mấy diễn viên ra nói theo lối tuồng cổ một lúc. Không hiểu tiếng nên tôi đâm chán, ngỡ bị ông đạo diễn họ Trương lừa. Sau vài phút tự nhiên thấy mình… chuyển động: hóa ra khán đài khổng lồ với 1.999 chỗ ngồi tự động quay tròn.

phuc kien 4 Phúc Kiến đệ nhất sơn

Một cảnh trong vở diễn của Trương Nghệ Mưu

Ôi chao, những cảnh ngoạn mục bắt đầu, giả giả thật thật. Khán giả nghệt mặt ra xem, im phăng phắc. Tôi không thể miêu tả hết những gì Trương Nghệ Mưu đưa ra trước thế giới. Chúng quá sức tưởng tượng của tôi về sân khấu và cả điện ảnh. Nhưng với giá vé đắt như vậy mà ở bốn vùng du lịch của Trung Quốc đều bán hết veo mấy ngàn suất mỗi ngày, bạn có thể tưởng tượng được những gì người đạo diễn lừng danh thế giới này đã làm.

Đây cũng là sân khấu quay đầu tiên có tại Trung Hoa đại lục. Suốt buổi tôi cứ tìm xem mấy anh lái thuyền lúc ban sáng đóng vai gì. Vai hoàng tử thì không phải rồi, vai tráng sĩ bay trên ngọn trúc kia cũng không được, vai mấy anh hề cũng không ổn. Cuối buổi thấy có đoàn thuyền tre bơi bì bõm dưới suối mới đoán ra: chắc các anh vẫn đóng vai… chèo thuyền.

Chỉ phân nửa diễn viên chuyên nghiệp, còn lại là sinh viên và dân thường, ngày đi học đi làm, tối về lên sân khấu diễn cho Trương Nghệ Mưu.

Thái Tịnh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *